Thị trường và “cuộc chiến” của xe điện hiện nay
Không nói đâu xa, ngay tại CES 2017 người ta cũng đã chứng kiến sự bẽ mặt của Faraday Future khi chiếc FF91 không thể thực hiện màn đỗ xe tự động như
Sau khi ra đời vào năm 2012 và tạo được vô số tiếng vang cũng như thành công về doanh số, mẫu sedan chạy điện hạng sang Tesla Model S đã khơi mào một cuộc chiến mới giữa những chiếc xe điện: khả năng tăng tốc từ 0 lên 100km/h.
Vẫn còn nhớ khoảng hơn nửa thập niên về trước, khi nhắc đến khái niệm xe điện (EV – electric vehicle) người ta thường liên tưởng ngay đến những chiếc xe nhỏ và được sử dụng với mục đích chuyên chở tại các địa điểm du lịch hay trong sân golf… Những chiếc xe này hầu như rất ít trang bị và tiện nghi cũng như hạn chế về khả năng vận hành – nếu so sánh với một chiếc xe hơi cùng thời. Một vài mẫu EV “thực thụ”như Nissan Leaf hay Honda Fit cũng chỉ dừng lại ở phân khúc xe nhỏ, chưa kể rất nhiều mẫu xe thử nghiệm hoặc concept không được đưa vào sản xuất đại trà.
“Xe điện” trong suy nghĩ của rất nhiều người
Thế nhưng, khi vấn đề khí hậu trở nên nghiêm trọng, tình trạng giá dầu leo thang cũng như những vấn đề về nguồn cung…, người ta dần nhận thấy nhu cầu lớn hơn với những chiếc xe chạy điện. Và thế là hàng loạt những mẫu xe EV được ra đời, mà đỉnh điểm là khi Tesla công bố ra mắt Tesla Model S – chiếc sedan cỡ lớn hạng sang đã phá bỏ định kiến của rất nhiều người về xe điện. Những con số được đưa ra thực sự ấn tượng: quãng đường vận hành rất dài với hơn 400km ở điều kiện lí tưởng (nhiều hơn bất cứ mẫu xe nào tại thời điểm đó), chỉ số an toàn tuyệt đối 5 sao, và điều đáng nói ở đây là thời gian tăng tốc từ 0 lên 97km/h (60 dặm/giờ) chỉ trong … 2,4s (ở bản cao cấp nhất P100D). Thông số này sẵn sàng đè bẹp hầu hết những tên tuổi siêu xe lẫy lừng như Bugatti Veyron, Ferrari LaFerrari, McLaren P1 hay Lamborghini Aventador… Thậm chí, nếu xét theo thông số do nhà sản xuất đưa ra, chiếc xe này hiện đang sở hữu khả năng tăng tốc nhanh nhất thế giới.
Và đó chính là khoảnh khắc chiếc Model S khơi mào ra “cuộc chiến” tăng tốc trong giới xe điện. Một cuộc chiến dường như vô nghĩa và thiếu thực tế, thậm chí có phần… lố bịch. Hãy nhớ đến sự ra đời của những chiếc xe điện dạng ý tưởng (concept) gần đây như Faraday Future FF91 hay Lucid Air. Trong màn ra mắt tại triển lãm CES 2017 của chiếc FF91, chỉ có một con số được nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh xuyên suốt triển lãm, đó là 2.39s – tức khả năng tăng tốc từ 0 lên 97km/h – chứ không phải là quãng đường xe có thể đi được trong một lần sạc.
“Cay mũi” vì bị một cái tên mới vượt mặt, không ít lâu sau Tesla đã công bố kết quả mới nhất mà mình có được với chiếc Model S: 2.389s! Đúng 1/1000s, không hơn không kém. Lucid Air cũng vậy, họ cũng rất chú trọng vào con số 2.5s của mình, mặc dù cả Lucid Motors và Faraday Future đều là những công ty còn non trẻ và chưa hề có mẫu xe nào được sản xuất đại trà ngoài những chiếc concept và prototype đậm chất tương lai.
Không nói đâu xa, ngay tại CES 2017 người ta cũng đã chứng kiến sự bẽ mặt của Faraday Future khi chiếc FF91 không thể thực hiện màn đỗ xe tự động như hãng đã khẳng định ngay trước đó. Có thể nhiều người đã nghĩ rằng, giá mà các kĩ sư dành nhiều hơn thời gian cho hệ thống này thay vì cố gắng vắt kiệt từng miligiây trong khả năng tăng tốc, mọi chuyện có thể sẽ khác. Vì những khách hàng của phân khúc xe điện có lẽ sẽ muốn chiếc xe của mình tự lùi chuồng chuẩn xác hơn là bứt tốc chóng mặt trên đường phố hay cao tốc. Thứ làm họ quan tâm không phải (hay rất ít) là những mã lực, những 1/1000s, mà quan trọng hơn là quãng đường vận hành, là những trạm sạc được phân bố hợp lí hay không, là tuổi thọ bộ pin trên chiếc xe của mình.
Trình diễn đỗ xe tự động thất bại của FF91
Tốc độ là thứ gây nghiện, khả năng bứt tốc cũng thế. Cảm giác “lưng dính ghế” sau một cú thốc ga thật tuyệt vời và phấn khích. Nhưng nếu bạn có ý định mua một chiếc xe đế sử dụng hằng ngày thì 2.5 giây, 3 giây hay 5 giây có lẽ không phải vấn đề quá to tát (ngay cả 5 giây cũng đã quá đủ thú vị trên đường phố rồi). Một ví dụ cho điều này là chiếc EV Chevrolet Bolt – mẫu xe điện tưởng như nằm ngoài cuộc chiến tăng tốc với 7 giây để đạt vận tốc 97km/h từ vị trí đứng yên. Và bạn có biết chiếc xe nào cũng tăng tốc trong khoảng 7 giây không? Một chiếc Lamborghini Miura đời 73, một chiếc 528i đời 2010, hay một chiếc Audi TT đời 2012 – những chiếc xe mà chẳng ai nghĩ là chậm chạp.
Vậy nên, có lẽ đã tới lúc những nhà sản xuất xe điện giảm bớt quãng thời gian tung hô về những con số hào nhoáng, từ bỏ cuộc chiến tăng tốc vô nghĩa để hướng nhiều hơn tới những điều thực tế trong quá trình sử dụng xe của khách hàng.
Leave a Reply